NHẬP MÔN VẼ THEO PHONG CÁCH MANGA VÀ ANIME
Trong bài viết này, Store Phan Thị giới thiệu những nguyên tắc vẽ theo phong cách manga và anime. Bật mí bí quyết vẽ theo đúng quy trình. Đồng thời gợi ý một số bài tập thân thiện với người mới bắt đầu.
Nào, chúng ta bắt đầu nhé!
Muốn tìm hiểu thêm bí kíp học vẽ theo phong cách manga và anime, bạn tham khảo bài viết MÁCH BẠN 7 BÍ QUYẾT HỌC VẼ MANGA/ANIME.
1. Đi nét nhạt trước tiên
Khởi đầu với nét nhạt. Kế đến, đồ lại bằng nét đậm sau khi chắc chắn mọi thứ đã đâu vào đấy. Bí quyết này đặc biệt hữu ích với artwork lớn, phức tạp.
Nét nhạt dễ xóa nếu bạn lỡ tay vẽ sai, và nó cũng dễ vẽ (bạn không cần ấn hoặc đè mạnh bút xuống giấy; như vậy, tay sẽ đỡ mỏi hơn).
Ngay cả khi vẽ kỹ thuật số, bạn vẫn nên phác thảo trước, rồi đồ lại bằng đường nét sạch đẹp hơn.
Vẽ đồ lại cũng có tác dụng như bài tập giúp bạn cầm bút chắc tay.
Cố gắng vẽ càng ít nét càng tốt. Nếu bạn mắc sai sót ngay từ nét vẽ đầu tiên, hãy vẽ tiếp cho đến khi đúng thì thôi, nhưng đừng vẽ nguệch ngoạc, hoặc “vẽ rắn thêm chân” chỉ vì thích thế. Xóa đi, rồi vẽ lại nếu bạn mắc quá nhiều sai sót.
2. Sử dụng đường gióng/đường dựng hình
Sử dụng đường gióng để giúp vẽ dễ dàng hơn. Ví dụ, nếu muốn vẽ đầu/khuôn mặt đối xứng từ góc nhìn trực diện, trước tiên bạn vẽ đường ngang qua giữa nơi bạn muốn vẽ khuôn mặt. Đường này sẽ giúp bạn bảo đảm hai nửa đầu có chiều rộng bằng nhau. Sau đó, bạn vẽ (nhiều) đường ngang để giúp bảo đảm hai mắt và hai tai nằm trên cùng một đường thẳng.
3. Vẽ từ lớn đến nhỏ
Ước tính tỷ lệ trước khi đặt bút xuống vẽ. Ở ví dụ trên, bạn thấy cô gái cao 6 ½ đầu (nhân vật anime thường có đầu lớn hơn so với cơ thể, và so với người thật). Sai sót sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất nhờ bạn so sánh kích thước các chi tiết trong bức vẽ với nhau.
Bất kể bạn đang vẽ gì, hãy khởi đầu với những hình lớn. Bạn không phải lúc nào cũng cần khởi đầu với hình lớn nhất. Nhưng đừng mới bắt đầu đã vội đi ngay vào chi tiết.
Nếu bạn vẽ người, hãy vẽ đầu trước tiên, sau đó mới đến phần còn lại của cơ thể. Đừng vẽ các chi tiết nhỏ như đặc điểm trên khuôn mặt cho đến khi bạn có hình dạng tổng thể của cơ thể người.
Các sai sót sẽ dễ sửa hơn rất nhiều nhờ bạn vẽ theo cách này. Vì dụ, bạn vẽ đầu với đầy đủ các chi tiết trên khuôn mặt, rồi chợt nhận ra rằng phần thân không nằm gọn trong vùng vẽ. Sau đó, bạn bất đắc dĩ phải vẽ lại toàn bộ khuôn mặt.
Một số sai sót tuy dễ khắc phục khi vẽ kỹ thuật số, nhưng điều đó không có nghĩa bạn không cần vẽ theo đúng trình tự.
4. Hoàn thành cùng một lượt các chi tiết trong bức vẽ
Cố gắng hoàn thành cùng một lượt các chi tiết trong bức vẽ. Ví dụ, nếu vẽ mắt, bạn vẽ hình dạng ngoài của từng mắt, rồi mới vẽ hình dạng của từng mống mắt. Vẽ theo cách này, bạn chắc hẳn nhận thấy con mắt thứ nhất có nằm đúng chỗ hay không. Và nếu mắc sai sót, bạn chỉ cần quay lại chỉnh sửa một chút là xong (giống như ví dụ trước).
5. Vẽ chi tiết ẩn
Đôi khi vẽ chi tiết bị che khuất bởi chi tiết khác cũng là một ý hay.
Ở ví dụ trên, một phần đầu và mặt sẽ bị mái tóc che khuất trong bức vẽ cuối cùng, nhưng bạn vẫn muốn vẽ hình dạng cơ bản của chúng, rồi xóa sau. Lý do cho việc này là để bảo đảm vị trí chính xác của chi tiết nhìn thấy được. Ví dụ, bằng cách vẽ con mắt thứ hai, bạn có thể kiểm tra khoảng cách giữa hai mắt. Và điều này sẽ bảo đảm chi tiết khá kiến được đặt đúng chỗ. Ngoài ra, bạn cũng có thể vẽ hình dạng ngoài của tai để ước lượng khối lượng tóc cần thiết để che chúng.
6. Bài tập luyện nét vẽ theo phong cách manga và anime
Sau đây là một số bài tập luyện nét vẽ khá đơn giản cho người mới học vẽ. Chúng sẽ giúp bạn cầm bút chắc tay, rèn luyện kỹ năng nhận diện (và tránh) những sai sót thường gặp.
Bạn có thể thực hiện bài tập này mỗi lần khoảng 10 – 15 phút.
Bài tập vẽ đường thẳng
Bài tập cơ bản nhất là vẽ đường thẳng theo nhiều hướng khác nhau. Vẽ đường ngang, dọc, và chéo mà không cần xoay vùng vẽ (giấy, bảng vẽ,…)
Bài tập vẽ đường cong
Ngoài đường thẳng, bạn cũng cần luyện vẽ đường cong theo nhiều hướng khác nhau. Cố gắng vẽ đường cong mượt mà, lả lướt, không “run rẩy” hoặc rẽ gấp. Cũng như bài tập vẽ đường thẳng, bạn không xoay vùng vẽ.
Bài tập vẽ hình cơ bản
Luyện vẽ những hình cơ bản như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình oval, hình chữ nhật,…
Thử vẽ từng hình bằng một nét duy nhất cho mỗi cạnh. Vẽ hình tròn và hình oval bằng một nét liền từ đầu đến cuối.
Đừng lo nếu hình vẽ không được đẹp lắm. Cố gắng cải thiện ở lần vẽ tiếp theo.
Bài tập vẽ hỗn hợp
Bạn có thể kết hợp các bài tập vẽ với nhau. Ví dụ, bạn vẽ hình vuông, rồi bên trong hình vuông, bạn kẻ đường chéo từ góc này qua góc kia, và thêm hai đường đi qua giao điểm của những đường này. Sau đó, bạn vẽ hình tròn bên trong hình vuông ban đầu. Nhưng không như bài tập trước, bạn vẽ mỗi lần ¼ hình tròn.
Ngoài tất cả những lợi ích đã nêu ở trên, bài tập này còn giúp luyện vẽ hình đối xứng.
Ở ví dụ trên, bạn thấy đầu được vẽ theo phong cách anime từ ba hình cơ bản như thế nào. Cách vẽ này thường được áp dụng cho các bộ phận trên cơ thể, và nhiều thứ khác nữa. Bạn không nhất thiết phải vẽ hết tất cả mỗi lần muốn vẽ cái gì đó. Nhưng đây là ví dụ tiêu biểu về lý do tại sao nên luyện vẽ hình cơ bản.
7. Nghiên cứu phong cách anime
Muốn vẽ theo phong cách manga và anime, bạn cần tìm hiểu những nét đặc trưng của chúng. May mắn thay, Store Phan Thị có bài hướng dẫn bạn vẽ theo phong cách manga và anime. Tham khảo tại đây nếu bạn quan tâm.
8. Kiểm tra lỗi
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm lỗi, hãy lật ngược bức vẽ hoặc giơ lên trước gương. Làm vậy sẽ cho bạn “góc nhìn” mới, giúp phát hiện sai sót dễ dàng hơn.
Lời kết
Làm bài tập và áp dụng những bí quyết kể trên sẽ giúp bạn nắm vững các nguyên tắc vẽ cơ bản. Một khi đã cầm bút chắc tay, bạn chuyển sang các khía cạnh chuyên sâu của hội họa. Đó là phối cảnh, màu sắc, và đổ bóng.
Nguồn: animeoutline
Tham khảo những sản phẩm công nghệ tại Store Phan Thị.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.